XÂM PHẠM QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ VỚI NHÃN HIỆU, KIỂU DÁNG CÔNG NGHIỆP VÀ CÁC HÌNH THỨC XỬ PHẠT

XÂM PHẠM QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ VỚI NHÃN HIỆU, KIỂU DÁNG CÔNG NGHIỆP VÀ CÁC HÌNH THỨC XỬ PHẠT

Mọi hình thức phân phối, tiêu thụ, quảng cáo đối với các sản phẩm nhái giả liên quan đến nhãn hiệu công ty TNHH Dành Cho Bé Yêu đã đăng ký đều là hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu và xâm phạm đối với quyền tên thương mại đã được Luật Pháp Việt Nam quy định. Trong trường hợp bị xử phạt, công ty TNHH Dành Cho Bé Yêu sẽ không hỗ trợ các nhà phân phối, các nhà đại lý với bất kỳ hình thức nào nếu có các vấn đề liên quan đến pháp luật.

XÂM PHẠM QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ VỚI NHÃN HIỆU, KIỂU DÁNG CÔNG NGHIỆP VÀ CÁC HÌNH THỨC XỬ PHẠT| Dành Cho Bé Yêu

Thời gian gần đây, tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ về nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp của các doanh nghiệp nổi tiếng có xu hướng gia tăng. Mặc dù các cơ quan chức năng đã đề ra những giải pháp nhằm ngăn ngừa, xử lý nghiêm khắc, tuy nhiên, tình trạng này không những không giảm mà đang có dấu hiệu tái diễn và xâm hại tới quyền, lợi ích chính đáng của người tiêu dùng.

Hãy cùng tìm hiểu cụ thể xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nhãn hiệu, về kiểu dáng công nghiệp là gì? Các hình thức xử phạt đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm thương hiệu tại bài viết dưới đây để bảo vệ quyền lợi của mình và doanh nghiệp nhé!

Quyền sở hữu trí tuệ về nhãn hiệu

Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ về nhãn hiệu là gì?

Theo Điều 129 Luật Sở Hữu Trí Tuệ về hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý:

1. Các hành vi sau đây được thực hiện mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu thì bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu:

a) Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng với hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó;

b) Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ;

c) Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ;

d) Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hoá, dịch vụ bất kỳ, kể cả hàng hoá, dịch vụ không trùng, không tương tự và không liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng.

2. Mọi hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại trùng hoặc tương tự với tên thương mại của người khác đã được sử dụng trước cho cùng loại sản phẩm, dịch vụ hoặc cho sản phẩm, dịch vụ tương tự, gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, cơ sở kinh doanh, hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó đều bị coi là xâm phạm quyền đối với tên thương mại.

Điều luật này cho thấy, việc các nhà phân phối, đại lý kinh doanh, tiêu thụ, quảng cáo các sản phẩm nhái giả liên quan đến nhãn hiệu mà công ty TNHH Dành Cho Bé Yêu đăng ký, sở hữu là hành vi vi phạm phát luật, xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu và quyền đối với tên thương mại. Những hành vi này sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.

Quyền sở hữu trí tuệ về nhãn hiệu

Cá nhân, tổ chức xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ về nhãn hiệu sẽ bị xử phạt như thế nào?

Căn cứ điều 11 nghị định 99/2013/NĐ-CP quy định về việc xử phạt hành chính với hành vi xâm phạm nhãn hiệu thì hành vi vi phạm nhãn hiệu sẽ bị tịch thu toàn bộ hàng hóa, tháo dỡ biển, bảng quảng cáo có nhãn hiệu vi phạm đồng thời xử phạt vi phạm hành chính, cụ thể:

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây vì mục đích kinh doanh trong trường hợp giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm đến 3.000.000 đồng:

a) Bán; chào hàng; vận chuyển, kể cả quá cảnh; tàng trữ; trưng bày để bán hàng hóa, dịch vụ xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp;

b) Đặt hàng, giao việc, thuê người khác thực hiện hành vi quy định tại Điểm a Khoản này.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này trong trường hợp giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm từ trên 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

3. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này trong trường hợp giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm từ trên 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

4. Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này trong trường hợp giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm từ trên 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

5. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này trong trường hợp giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm từ trên 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng...”

Cá nhân, tổ chức xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ về nhãn hiệu sẽ bị xử phạttheo quy định pháp luật

Quyền sở hữu trí tuệ về kiểu dáng công nghiệp

Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ về kiểu dáng công nghiệp là gì?

Hành vi xâm phạm quyền kiểu dáng công nghiệp được quy định tại Điều 126 Luật sở hữu trí tuệ như sau:

Theo quy định tại khoản 13 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ 2005:

Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này.

Trước hết, các tổ chức, cá nhân thực hiện các hành vi sau thì bị coi là hành vi xâm phạm kiểu dáng công nghiệp theo quy định tại Điều 126 Luật sở hữu trí tuệ 2005:

- Sử dụng sáng chế được bảo hộ, kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ hoặc kiểu dáng công nghiệp không khác biệt đáng kể với kiểu dáng đó, thiết kế bố trí được bảo hộ hoặc bất kỳ phần nào có tính nguyên gốc của thiết kế bố trí đó trong thời hạn hiệu lực của văn bằng bảo hộ mà không được phép của chủ sở hữu;

- Sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mà không trả tiền đền bù theo quy định về quyền tạm thời quy định tại Điều 131 Luật sở hữu trí tuệ 2005.

Ngoài ra, khi xác định hành vi xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp phải tuân theo quy định tại các Điều 5 và 10 Nghị định 105/2006/NĐ-CP.

* Điều 5 Nghị định 105/2006/NĐ-CP quy định về việc xác định hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ:

Hành vi bị xem xét bị coi là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ quy định tại Điều 126 Luật sở hữu trí tuệ 2005, khi  có đủ các căn cứ sau đây:

- Đối tượng bị xem xét thuộc phạm vi các đối tượng đang được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

- Có yếu tố xâm phạm trong đối tượng bị xem xét.

- Người thực hiện hành vi bị xem xét không phải là chủ thể quyền sở hữu trí tuệ và không phải là người được pháp luật hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định tại Điều khoản 2 Điều 125 Luật sở hữu trí tuệ 2005.

- Hành vi bị xem xét xảy ra tại Việt Nam.

Hành vi bị xem xét cũng bị coi là xảy ra tại Việt Nam nếu hành vi đó xảy ra trên mạng internet nhưng nhằm vào người tiêu dùng hoặc người dùng tin tại Việt Nam.

* Điều 10 Nghị định 105/2006/NĐ-CP quy định Yếu tố xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp:

- Yếu tố xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp là sản phẩm hoặc phần của sản phẩm mà hình dáng bên ngoài không khác biệt đáng kể với kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ.

- Căn cứ để xác định yếu tố xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp là phạm vi bảo hộ kiểu dáng công nghiệp được xác định theo Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp.

- Sản phẩm, phần sản phẩm bị coi là yếu tố xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Trên sản phẩm hoặc phần sản phẩm bị xem xét, kể cả trường hợp đã được cấp Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, có tập hợp các đặc điểm tạo dáng hợp thành một tổng thể là bản sao hoặc về bản chất là bản sao (gần như không thể phân biệt được sự khác biệt) của kiểu dáng công nghiệp của chủ sở hữu khác đã được bảo hộ mà không được sự đồng ý của người đó;

+ Trên sản phẩm hoặc phần sản phẩm bị xem xét có tập hợp các đặc điểm tạo dáng hợp thành một tổng thể là bản sao hoặc về bản chất là bản sao của kiểu dáng công nghiệp của ít nhất một sản phẩm trong bộ sản phẩm được bảo hộ của người khác.

- Kiểu dáng công nghiệp của một sản phẩm (phần sản phẩm) chỉ bị coi là không khác biệt đáng kể với kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ khi kiểu dáng công nghiệp đó là bản sao hoặc về bản chất là bản sao của kiểu dáng công nghiệp đã được bảo hộ.

Ngoài ra, Điểu 12 Thông tư 11/2015/TT-BKHCN quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp:

- Sản phẩm/phần sản phẩm bị xem xét được coi là bản sao của kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ nếu sản phẩm/phần sản phẩm đó có tập hợp các đặc điểm tạo dáng (hình dáng) bên ngoài chứa tất cả các đặc điểm tạo dáng cơ bản và không cơ bản của kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ.

- Sản phẩm/phần sản phẩm bị xem xét về bản chất được coi là bản sao của kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ nếu sản phẩm/phần sản phẩm đó có tập hợp các đặc điểm tạo dáng bên ngoài chứa tất cả các đặc điểm tạo dáng cơ bản của kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ, chỉ khác biệt về những đặc điểm tạo dáng không dễ dàng nhận biết, ghi nhớ được.

- Trường hợp tổng thể các đặc điểm tạo dáng bên ngoài của một sản phẩm/phần sản phẩm bị coi là bản sao hoặc về bản chất là bản sao của tập hợp các đặc điểm tạo dáng bên ngoài của ít nhất một sản phẩm trong bộ sản phẩm thuộc kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ thì cũng bị coi là xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp đó.

- Đặc điểm tạo dáng cơ bản của kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ được hiểu là đặc điểm tạo dáng dễ dàng nhận biết, ghi nhớ, được dùng để phân biệt tổng thể kiểu dáng công nghiệp này với kiểu dáng công nghiệp khác. Tập hợp các đặc điểm tạo dáng cơ bản có thể là hình khối, đường nét, tương quan giữa các đặc điểm hình khối và/hoặc đường nét, các đặc điểm màu sắc được xác định trên cơ sở bộ ảnh chụp/bản vẽ kèm theo Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp.

Theo quy định các quy định trên thì căn cứ để xác định yếu tố xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp là phạm vi bảo hộ kiểu dáng công nghiệp được xác định theo Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp.

Để biết được sản phẩm có xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp thì còn căn cứ vào nhiều yếu tố như: trên sản phẩm hoặc phần sản phẩm bị xem xét có tập hợp các đặc điểm tạo dáng hợp thành một tổng thể là bản sao hoặc về bản chất là bản sao, hoặc trên sản phẩm hoặc phần sản phẩm bị xem xét có tập hợp các đặc điểm tạo dáng hợp thành một tổng thể là bản sao hoặc về bản chất là bản sao của kiểu dáng công nghiệp của ít nhất một sản phẩm trong bộ sản phẩm được bảo hộ của người khác.

Quyền sở hữu trí tuệ về kiểu dáng công nghiệp

Cá nhân, tổ chức xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ về kiểu dáng công nghiệp sẽ bị xử phạt như thế nào?

Điều 226 về Tội xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ về kiểu dáng công nghiệp:

1. Người nào cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam, thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

 a) Có tổ chức;

 b) Phạm tội 02 lần trở lên;

 c) Thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên;

 d) Gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý 500.000.000 đồng trở lên;

 đ) Hàng hóa vi phạm trị giá 500.000.000 đồng trở lên.

 3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

 4. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

 a) Pháp nhân thương mại thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng;

 b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 02 năm;

 c) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Thực trạng các nhà phân phối, đại lý xâm phạm nhãn hiệu do công ty TNHH Dành Cho Bé Yêu đăng ký sở hữu

Công ty TNHH Dành Cho Bé Yêu là đơn vị nhập khẩu và phân phối độc quyền các sản phẩm đồ dùng, đồ chơi cho bé mang các nhãn hiệu: Mastela, Winfun, Comfybaby, Infantino, Royalcare, Toys House, Konig Kids, Joovy tại Việt Nam.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, trên thị trường xuất hiện nhiều sản phẩm nhái giả mang nhãn hiệu mà công ty TNHH Dành Cho Bé Yêu đã đăng ký sở hữu và phân phối độc quyền tại Việt Nam. Những sản phẩm này không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm định về chất lượng không chỉ gây nguy cơ ảnh hưởng đến sự an toàn của trẻ em mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của công ty TNHH Dành Cho Bé Yêu.

Mọi hình thức phân phối, tiêu thụ, quảng cáo đối với các sản phẩm nhái giả liên quan đến nhãn hiệu công ty TNHH Dành Cho Bé Yêu đã đăng ký đều là hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu và xâm phạm đối với quyền tên thương mại đã được Luật Pháp Việt Nam quy định.

Chính vì thế, các nhà phân phối, các nhà đại lý hết sức cảnh giác, tuyệt đối không kinh doanh các sản phẩm mang các nhãn hiệu kể trên mà không do công ty TNHH Dành Cho Bé Yêu cung cấp.

Trong trường hợp các nhà phân phối, các nhà đại lý vẫn cố tình kinh doanh hàng giải nhái liên quan đến nhãn hiệu công ty TNHH Dành Cho Bé Yêu đã đăng ký sẽ bị xử phạt theo quy định pháp luật, đồng thời đánh mất uy tín với người tiêu dùng. Trong trường hợp bị xử phạt, công ty TNHH Dành Cho Bé Yêu sẽ không hỗ trợ các nhà phân phối, các nhà đại lý với bất kỳ hình thức nào nếu có các vấn đề liên quan đến pháp luật.

4Babies sẽ không hỗ trợ các nhà phân phối, các nhà đại lý với bất kỳ hình thức nào nếu có các vấn đề liên quan đến pháp luật

Trước tình hình vi phạm ngày càng trở nên phổ biến, tinh vi, việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ rất cần sự vào cuộc của toàn xã hội. 

Dành Cho Bé yêu
Share

1 bầu chọn / điểm trung bình: 5